Các lãnh vực của sứ mệnh Công_binh_Lục_quân_Hoa_Kỳ

Chiến tranh

Công binh Lục quân Hoa Kỳ cung ứng sự hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp cho nỗ lực chiến tranh. Công binh Lục quân Hoa Kỳ xây dựng và bảo trì phần lớn các cơ sở hạ tầng mà Lục quân và Không quân sử dụng để huấn luyện, làm căn cứ và triển khai quân đội. Công binh Lục quân Hoa Kỳ xây dựng và bảo trì các hệ thống hàng hải và các quân cảng để cung cấp những phương tiện hữu hiệu trong việc triển khai các trang thiết bị thiết yếu và những vật dụng khác. Các cơ sở nghiên cứu và phát triển của đoàn công binh giúp phát triển những phương pháp và những phương sách mới cho việc triển khai, bảo vệ lực lượng, vẽ bản đồ và phân tích địa hình, và những hỗ trợ khác.

Công binh Lục quân Hoa Kỳ trực tiếp hỗ trợ quân đội ngay tại mặt trận, tạo điều kiện sẵn có về mặt chuyên môn kỹ thuật cho các tư lệnh chiến trường để giúp giải quyết các vấn đề về kỹ thuật. Các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật tiền phương có thể đi cùng với các kỹ thuật viên quân sự để cung ứng hỗ trợ tiếp cận hoặc liên lạc điện tử về phần còn lại của Công binh Lục quân để xin ý kiến kỹ thuật khi cần. Các chuyên gia của đoàn công binh sử dụng sự hiểu biết và kỹ năng vững chắc cả về các dự án dân sự và quân sự để hỗ trợ những cộng đồng địa phương và cộng đồng ở Hoa Kỳ trong các lĩnh vực về bất động sản, hợp đồng, vẽ bản đồ, xây dựng, tiếp vận, kinh nghiệm về kỹ thuật và quản lý. Công việc hiện tại gồm có hỗ trợ tái thiết Iraq, xây dựng cơ sở hạ tầng Afghanistan, hỗ trợ các ban ngành liên cơ quan và quốc tế.

Ngoài công việc của khoảng 34.000 nhân viên dân sự trong các chương trình công chánh dân sự khắp nơi, đoàn công binh cũng cung ứng nơi đào tạo cho những khả năng tương tự trên toàn thế giới. Các nhân viên dân sự của Công binh Lục quân Hoa Kỳ tình nguyện thuyên chuyển để thực hiện các công tác khắp nơi trên thế giới. Thí dụ, các chuyên gia về thủy điện đã giúp sửa chữa, trang chỉnh, và điều hành các đập thủy điện tại Iraq trong một nỗ lực giúp người Iraq tự đứng vững bằng sức của chính mình.[2][3]

An ninh nội địa

Công binh Lục quân Hoa Kỳ hỗ trợ Bộ Nội an Hoa KỳCơ quan Quản lý Trường hợp Khẩn cấp (FEMA) qua các nỗ lực chuẩn bị đối phó với tai hoạ, nghiên cứu và phát triển, bảo vệ lực lượng, lập kế hoạch về an ninh, và nhanh chóng đáp ứng kịp thời trong những tình trạng khẩn cấp và tai hoạ. Công binh Lục quân Hoa Kỳ có thể cứu cấp hàng trăm người và hàng triệu đô la thiệt hại về tài sản hàng năm từ các tai họa do con người và thiên nhiên gây ra.

Công binh Lục quân Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động ứng phó tình trạng khẩn cấp dưới hai thẩm quyền cơ bản. Thứ nhất là dưới Đạo luật Khẩn cấp Duyên hải và Chống Lũ lụt (P.L. 84-99), và thứ hai là Đạo luật Trợ giúp Khẩn cấp và Cứu trợ Tai ương Stafford (P.L. 93-288). Trong một năm điển hình, Công binh Lục quân Hoa Kỳ đáp ứng đối phó với trên 30 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống, cộng vô số các tình trạng khẩn cấp địa phương và tiểu bang. Các cuộc đáp ứng đối phó với tình trạng khẩn cấp thường có sự hợp tác với những đơn vị quân sự và các cơ quan liên bang khác để hỗ trợ những nỗ lực của địa phương và tiểu bang.

Hỗ trợ hạ tầng cơ sở

Công việc bao gồm hỗ trợ quản lý và kỹ thuật đối với các cơ sở xây dựng của quân đội, hỗ trợ bất động sản trên thế giới, hỗ trợ những công việc dân sự, hoạt động và bảo trì các dự án kiểm soát lũ lụt và hàng hải Liên bang, theo dõi quan sát các đập nước và hệ thống đê chống lũ.

Hơn 67 phần trăm hàng hóa người Mỹ tiêu thụ và hơn phân nửa tổng số dầu nhập cảng của quốc gia được xúc tiến qua các cảng nước sâu mà đoàn công binh bảo trì. Công binh Lục quân Hoa Kỳ bảo trì hơn 12.000 dặm Anh (19.000 km) kênh hàng hải thương mại khắp Hoa Kỳ.

Trong cả chương trình xây cất cho quân đội và sứ mệnh công chánh dân sự, Công binh Lục quân Hoa Kỳ chịu trách nhiệm hàng tỷ đô la giá trị về cơ sở hạ tầng của quốc gia. Thí dụ, đoàn công binh kiểm soát 609 đập nước, bảo trì và/hoặc điều hành 257 âu thuyền, và điều khiển 75 nhà máy thủy điện sản xuất 24% năng lượng thủy điện của quốc gia và 3 phần trăm tổng năng lượng điện toàn quốc. Công binh Lục quân Hoa Kỳ kiểm tra trên 2.000 đê bao của liên bang và không phải của liên bang mỗi hai năm 1 lần.

Bốn tỉ gallon nước mỗi ngày được đoàn công binh lấy ra từ 136 dự án cung cấp nước đa mục đích. Điều này đã làm cho đoàn công binh trở thành một trong các cơ quan cung cấp nước lớn nhất Hoa Kỳ.[3]

Tiểu đoàn Công binh 249, đơn vị hiện dịch duy nhất của Công binh Lục quân Hoa Kỳ, tạo ra và phân phối điện năng chính yếu để hỗ trợ chiến tranh, cứu trợ tai ương, các chiến dịch hỗ trợ và ổn định cũng như cố vấn và trợ giúp kỹ thuật trong mọi khía cạnh của các hệ thống phân phối điện và điện năng. Tiểu đoàn này đã được khai triển để trợ giúp các hoạt động phục hồi sau sự kiện 11 tháng 9. Tiểu đoàn cũng được khai triển để hỗ trợ các hoạt động sau Bão Katrina.

Nguồn nước

Qua chương trình công tác dân sự, Công binh Lục quân Hoa Kỳ thực hiện một mạng lưới rộng lớn các dự án cung ứng việc bảo vệ duyên hải, chống lũ, thủy điện, các thủy lộ và cảng, các khu vui chơi giải trí và cung cấp nước. Công việc bao gồm bảo vệ và trùng tu duyên hải. Như một phần công việc này, đoàn công binh là một cơ quan cung cấp số một về giải trí ngoài trời tại Hoa Kỳ, vì vậy có một sự chú trọng lớn lao về sự an toàn nguồn nước.

Việc tham gia của Lục quân vào các công việc "mang tính dân sự" bao gồm về nguồn nước có lịch sử từ thời ban đầu lập quốc Hoa Kỳ. Trải qua nhiều năm tháng, nhu cầu của quốc gia thay đổi thì sứ mệnh công chánh dân sự của Lục quân cũng thay đổi theo.

Các lĩnh vực chính được chú trọng bao gồm:

  • Giao thông hàng hải: hỗ trợ giao thông hàng hải bằng cách bảo trì và cải tiến các kênh giao thông là sứ mệnh công chánh dân sự xưa nhất của Công binh Lục quân Hoa Kỳ, tính từ ngày luật Liên bang năm 1824 trao quyền cho công binh cải thiện an toàn giao thông trên Sông Mississippi và Sông Ohio và các bến cảng. Ngày nay, công binh bảo trì trên 12.000 dặm Anh (19.200 km) các thủy lộ nội địa và điều hành 235 âu thuyền. Các thủy lộ này - một hệ thống sông, hồ và các vịnh duyên hải được cải tiến dành cho giao thông thương mại và giải trí - vận tải khoảng 1/6 hàng hóa liên thành phố của quốc gia với một chi phí được tính theo tấn-dặm là khoảng 1/2 của đường sắt hay 1/10 chi phí vận tải bằng xe hàng. Công binh Lục quân Hoa Kỳ cũng bảo trì 300 bến cảng thương mại mà qua các cảng này có đến 2 tỉ tấn hàng hóa một năm và hơn 600 bến cảng nhỏ hơn.
  • Giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt: Công binh Lục quân Hoa Kỳ đầu tiên được gọi đến để nói chuyện về vấn đề lũ lụt dọc theo Sông Mississippi trong giữa thập niên 1800. Họ bắt đầu làm việc với Dự án kiểm soát lũ lụt các sông nhánh và Sông Mississippi vào năm 1928. Đạo luật Kiểm soát Lũ lụt năm 1936 đã giao trách nhiệm cho Công binh cung ứng việc chống lũ lụt trên toàn quốc. Cả Công binh Lục quân Hoa Kỳ và bất cứ cơ quan nào khác cũng không thể ngăn cản được tất cả sự thiệt hại do lũ lụt gây ra. Khi lũ lụt gây ra thiệt hại thì chắc chắn có xảy ra chuyện tranh cãi.
  • Giải trí vui chơi: Công binh Lục quân Hoa Kỳ là cơ quan cung cấp giải trí ngoài trời lớn nhất quốc gia, điều hành hơn 2.500 khu giải trí thuộc 463 dự án (phần lớn là hồ) và cho thuê thêm 1.800 chỗ khác cho các thẩm quyền về công viên địa phương, công viên tiểu bang và khu vui chơi giải trí hoặc tư nhân có nhu cầu. Công binh Lục quân Hoa Kỳ mở cửa cho khoảng 360 triệu lượt người viếng thăm hàng năm tại các hồ, bãi biển, bãi sông và các nơi khác của mình. Ước tính có khoảng 25 triệu người Mỹ (1 phần 10 dân số Hoa Kỳ) đến thăm viếng một dự án của đoàn công binh ít nhất một năm một lần. Để hỗ trợ cho các du khách đến viếng thăm các khu giải trí này, đoàn công binh đã tạo ra khoảng 600.000 việc làm.
  • Thủy điện: Công binh Lục quân Hoa Kỳ lần đầu tiên được phép xây các nhà máy thủy điện là vào thập niên 1920. Ngày nay họ điều hành khoảng 75 nhà máy thủy điện, sản xuất 1/4 năng lượng thủy điện của quốc gia hay 3 phần trăm tổng điện năng toàn quốc. Điều này giúp đoàn công binh trở thành nhà cung cấp điện lớn hàng thứ năm của Hoa Kỳ.
  • Bảo vệ bờ biển: với một tỉ lệ lớn dân số Hoa Kỳ sống gần biển và bờ hồ và một ước tính có đến 75% dân chúng Hoa Kỳ đi nghỉ phép tại các bãi biển nên đó là mối quan tâm của chính phủ liên bang. Sứ mệnh của Công binh Lục quân Hoa Kỳ là bảo vệ các khu vực này chống lại bão và sự thiệt hại do bão dọc duyên hải gây ra. Sứ mệnh này là một trong những sứ mệnh dễ gây tranh cãi nhiều hơn hết của Công binh Lục quân Hoa Kỳ.
  • An toàn các đập nước: Công binh Lục quân Hoa Kỳ đi đầu trong việc phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật để làm sao cho các đập nước được an toàn, và tiến hành một chương trình kiểm tra thường xuyên các đập nước của mình.
  • Cung cấp nước: Công binh Lục quân Hoa Kỳ đầu tiên tham dự vào việc cung cấp nước là vào thập niên 185 khi họ xây cống nước của Washington D.C. Ngày nay các hồ chứa nước của đoàn công binh cung cấp nước cho gần 10 triệu người trong 115 thành phố. Trong những vùng đất khô của quốc gia, nước từ các hồ chứa nước của đoàn công binh cũng được dùng cho nông nghiệp.

Môi trường

Sứ mệnh môi trường của Công binh Lục quân Hoa Kỳ có hai lĩnh vực tập trung chính yếu: tái tạo và quản lý.

Công binh Lục quân Hoa Kỳ hỗ trở hoặc điều hành vô số chương trình về môi trường, bao gồm việc dọn dẹp các cơ sở quân sự trước đây bị ô nhiễm vì rác thải độc hại hay đạn dược bỏ sót lại để giúp xây dựng hay tái tạo những vùng đất đầm lầy giúp các loài có nguy cơ tuyệt chủng tồn tại. Một số các chương trình này là các chương trình như sau: Tái tạo hệ sinh thái, những nơi trước đây được dùng cho quốc phòng, quản lý môi trường, bãi mìn bỏ hoang...

Sứ mệnh này gồm có giáo dục cũng như điều lệ và dọn dẹp.

Công binh Lục quân Hoa Kỳ có một chương trình môi trường rất năng nỗ cả về quân sự và dân sự.[4]

Sứ mệnh môi trường thuộc dân sự luôn bảo đảm các dự án của đoàn công binh, các cơ sở phương tiện và vùng đất có liên quan phải hội đủ tiêu chuẩn môi trường. Chương trình có bốn chức năng: theo chuẩn mực, tái tạo, ngăn ngừa và bảo tồn. Đoàn công binh cũng đặt ra các điều lệ nôi qui cho các công việc tại các vùng đầm lầy và vùng nước của Hoa Kỳ.

Chương trình môi trường của các chương trình quân sự quản lý thiết kế và thực hiện một tầm mức đầy đủ các hoạt động dọn dẹp và bảo vệ:

  • dọn dẹp các nơi bị ô nhiễm chất thải độc hại, chất thải phóng xạ hay bom đạn
  • tuân theo luật và quy định về môi trường của địa phương, tiểu bang, liên bang
  • cố gắng giảm thiểu sử dụng các chất độc hại
  • bảo tồn các nền văn hóa và thiên nhiên của con người

Đây là các lĩnh vực môi trường chính được chú trọng:

  • Cấp giấy phép và quy định cho các thủy lộ và vùng đất đầm lầy
  • Tái tạo hệ sinh thái
  • Quản lý môi trường
  • Dọn dẹp các nơi bị nhiễm phóng xạ
  • Trùng tu lại và đóng cửa căn cứ quân sự
  • Các nơi từng là căn cứ quốc phòng
  • Hỗ trợ Chương trình Siêu quỹ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công_binh_Lục_quân_Hoa_Kỳ http://www.topix.com/us/us-army-corps-of-engineers http://texashistory.unt.edu/browse/collection/ACE/ http://www.hq.usace.army.mil/cepa/pubs/jan08/story... http://www.hq.usace.army.mil/hq_exec/index.asp http://www.usace.army.mil/ http://www.usace.army.mil/missions/environment.htm... http://www.usace.army.mil/missions/index.html http://www.usace.army.mil/publications/misc/ceho.h... http://www.corpsreform.org http://www.levees.org